Vitamin B1 có vai trò trong chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể, ngoài ra chúng còn tác động lên cấu trúc và chức năng của não. Vitamin B1 có trong thức ăn như: thịt, gan, đậu đen, bánh mì… và trong thực phẩm chức năng. Việc thiếu hụt vitamin B1 và sử dụng chúng không đúng cách có thể mang lại những bất lợi cho cơ thể. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vitamin B1, cũng như cách dùng vitamin B1 sao cho hợp lý
Vitamin B1 hay còn được gọi là Thiamin. Dạng hoạt động của nó là thiamine pyrophosphate (TPP) là một coenzym tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cơ thể như chuyển hóa glucose, acid amin và lipid. Ngoài vai trò là một coenzym, vitamin B1 còn có vai trò trong cấu trúc và chức năng cũng như sự trao đổi chất của tế bào não.
Hầu hết mọi người nhận đủ lượng vitamin B1 từ chế độ ăn của họ. Tuy nhiên nấu quá chín thực phẩm có chứa vitamin B1 có thể làm giảm hàm lượng vitamin B1 trong thực phẩm đó. Vitamin B1 được sử dụng như là một chất bổ sung khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ lượng vitamin B1, thường sử dụng đường uống.
Hội chứng Wernicke - Korsakoff là hai tình trạng riêng biệt xảy ra cùng một lúc. Bệnh Wernicke ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, gây suy giảm thị lực, lú lẫn và có những vấn đề về cân bằng và di chuyển. Khi bệnh Wernicke không được điều trị kịp thời, hội chứng Korsakoff sẽ xảy ra. Hội chứng Korsakoff ảnh hưởng đến chức năng ghi nhớ trong não. Đây là một trong những di chứng thần kinh nặng nề nhất do lạm dụng rượu, gây thiếu vitamin B1.
Các tác giả của Hiệp hội Thần kinh Liên đoàn Châu Âu lưu ý rằng, bổ sung liều cao vitamin B1 bằng đường uống không có hiệu quả trong việc tăng nồng độ vitamin B1 trong máu hoặc điều trị bệnh Wernicke. Họ khuyến nghị nên tiêm tĩnh mạch 200mg/ngày, ngày 3 lần cho đến khi các triệu chứng của bệnh Wernicke hết, bên cạnh đó cần một chế độ ăn uống cân bằng [1].
Một nghiên cứu ở 24 bệnh nhân tiểu đường type 2 chưa dùng thuốc đã cho kết luận rằng dùng vitamin B1 trong một tháng giúp làm giảm nồng độ glucose và leptin trong máu (một hormone được sản xuất bởi chất béo) [2].
Một nghiên cứu đánh giá tác động của việc bổ sung benfotiamine (một dẫn xuất của thiamin) đối với bệnh thần kinh do tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy, benfotiamine 300 mg/ngày và 600mg/ngày giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng thần kinh do bệnh tiểu đường [3].
Suy tim là tình trạng tim suy giảm chức năng, không thể bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể cũng như hút máu từ các cơ quan trở về tim. Suy tim thường gây khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực, đau thắt ngực khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động thể lực.
Tỷ lệ thiếu vitamin B1 ở bệnh nhân suy tim trong các nghiên cứu dao động từ 21% đến 98 %. Mối quan hệ này có liên quan tới tuổi già, bệnh đi kèm, chế độ ăn uống không đủ chất, điều trị bằng thuốc lợi tiểu và nhập viện thường xuyên [4]. Theo một bài đánh giá, việc bổ sung vitamin B1 cho các bệnh nhân suy tim đã được chứng minh là cải thiện chức năng tim, các dấu hiệu và triệu chứng của của bệnh suy tim. Tuy nhiên, những liệu pháp này chưa được thử nghiệm trên lâm sàng trên quy mô lớn [5].
Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh thường khởi phát từ từ và trở nên nghiêm trọng. Bệnh có những triệu chứng như khó nhớ lại những sự kiện gần đây, gặp khó khăn về ngôn ngữ, gặp vấn đề về hành vi, thay đổi tâm trạng thất thường, mất phương hướng.
Có 1 số nghiên cứu đánh giá sự thiếu hụt vitamin B1 ở những người bị bệnh Alzheimer. Một trong những nghiên cứu này cho thấy 13% trong số 150 bệnh nhân bị suy giảm nhận thức và rối loạn hành vi trong đợt khởi phát cấp tính được cho là do thiếu nồng độ vitamin B1 trong huyết tương [6]. Đã có ba nghiên cứu về tác động của vitamin B1 đối với triệu chứng sa sút trí tuệ của bệnh nhân Alzheimer. Tuy nhiên, dữ liệu quá ít và không đủ chi tiết nên không thể đưa ra kết luận nào [7].
Theo một nghiên cứu cho rằng, vitamin B1 có ảnh hưởng tới sự sản xuất collagen trong quá trình chữa lành vết thương ở da. Collagen là một protein có ở da, tóc, cơ và xương. Collagen giúp cho cấu trúc của da bền vững hơn, làm cho da có sự đàn hồi tốt. Vì thế mà sự ảnh hưởng của vitamin B1 lên da có thể giúp da mau lành vết thương, có sự đàn hồi tốt hơn [nguon title="Thiamine influence on collagen during the granulation of skin wounds" link="https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/0022480482901809"][/nguon].
Cũng như các vitamin B khác, vitamin B1 giúp chuyển hóa năng lượng cho cơ thể. Vì thế nên uống vào buổi sáng, để cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể hoạt động trong một ngày. Và nến uống trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn hai tiếng
Mỗi đối tượng đều có liều dùng khuyến nghị (RDA) khác nhau. Đối với nam giới từ 19 tuổi trở lên RDA là 1.2mg/ngày, với nữ giới từ 19 tuổi trở lên RDA là 1.1mg/ngày. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, RDA là 1.4mg/ngày. Đối với trẻ em thì nên theo sự hướng dẫn của Bác sĩ .
Vitamin B1 thường được dung nạp tốt và không độc khi dùng đường uống. Tuy nhiên, đã có một số tác dụng phụ bất lợi được báo cáo khi tiêm tĩnh mạch bao gồm:
- Phản ứng dị ứng
- Buồn nôn
- Hôn mê
- Suy giảm khả năng phối hợp.
Hầu hết mọi người đều có thể bổ sung vitamin B1 từ thực phẩm xung quanh như thịt, cá, bánh mì, ngũ cốc... Bổ sung vitamin B1 từ thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B1. Sau đây là thực phẩm chứa nhiều vitamin B1: gan bò, đậu đen, đậu lăng, quả mắc ca, đậu nành luộc, thịt thăn lợn, măng tây, ngũ cốc ăn sáng
Qua bài viết trên, hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vitamin B1. Hãy có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin B1 để tránh nguy cơ thiếu hụt vitamin B1.
Nguồn: Healthline, NIH
Có thể bạn quan tâm:
>>>>> Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị khi cơ thể bị thiếu vitamin B1
>>>>> Liều dùng, cách dùng vitamin B1
Link nội dung: https://diendanxaydung.net.vn/vitamin-b1-250mg-co-tac-dung-gi-a33082.html